Skip to main content

DẠY HỌC: BIẾT NÓI LỜI TỪ CHỐI

Năm học này, tôi làm các bài kiểm tra đánh giá chất lượng đầu vào, nhất định không nhận dạy các học sinh quá kém. Trong thực tế giảng dạy, tôi đã gặp không ít các trường hợp học sinh gần như không biết gì cả. Có học sinh lớp 6 không thuộc bảng cửu chương, có học sinh lớp 9 không biết rút gọn đa thức,...Trước thấy thương các em kém quá mà cả nể nhận dạy, nhưng sau cùng các em hoặc tiến bộ quá chậm, đi thi vẫn cứ quanh quẩn điểm hai, ba hoặc không thì phụ huynh lại cho nghỉ học giữa chừng. Dạy hoài công mà tôi còn tự chuốc thêm bao mệt mỏi. Đối với các học sinh mà đầu óc “trắng xoá" như thế, tôi buộc phải dạy một chương trình riêng. Nhưng bây giờ, mở thêm lớp dạy thêm mình các em thì tôi không có đủ thời gian, và cũng chẳng biết phải lấy học phí như nào. Còn dạy chung các em với các bạn khác thì tôi vừa phải dạy cho lớp, vừa phải tách các em riêng ra để dạy bài tập cơ bản. Giá như sức học các em tốt chút thì chẳng nói, đằng này do tiếp thu chậm, cứ học hôm trước hôm sau quên, cộng thêm do dốt nên cũng thường lười, bài về nhà chẳng chịu làm. Nói chung kiểu gì cũng dở. Vậy cho nên tốt nhất là thôi, hướng sức mình vào những học sinh có tố chất và kiến thức nền tảng để mà giúp đỡ tiến bộ.

Tôi thấy rằng đối với những học sinh quá kém, thì phụ huynh cũng cần phải có trách nhiệm mà tìm gia sư để mà kèm riêng. Ở Ninh Bình, tìm gia sư rất khó, mà học phí thì chắc chắn cũng tương đối cao, nhiều gia đình chẳng thể nào kham nổi. Nhưng, đó là thực tế mà họ phải chấp nhận trả giá nếu muốn con mình được học tử tế. Tôi chẳng thể vì giúp họ mà cứ nhận xong rồi chất lượng dạy học không đảm bảo. Trong công việc, tôi thấy cần phải xác định rõ cái trách nhiệm của mình giới hạn nào mình có thể làm tới và dừng lại. Những phụ huynh có con em học kém kia sẽ làm gì? Tôi chỉ biết tư vấn cho họ là tìm gia sư về dạy riêng, còn họ có làm không, có tìm được gia sư không, rồi các em học có tiến bộ không,...tôi không cần bận tâm nữa. Quyết được cái trách nhiệm như thế, tôi trút được bao nhiêu nặng nhọc. Ngoài dạy ra, tôi cũng cần dành sức lực để mà cân bằng với cuộc sống hàng ngày nói chung nữa. Tôi vừa mới từ chối một học sinh mà bố mẹ em người cùng làng, thêm cả cũng kiểu anh em trong họ. Em học sinh đó lớp 8 rồi mà không biết chút gì về đa thức cả, đụng đâu cũng không biết. Phân vân chút ít rồi tôi cũng quyết gọi cho phụ huynh để từ chối. Không, là không. Phải dám từ chối để tự bảo vệ lấy mình, không thì hại cả mình lẫn em và gia đình.

Comments

Popular posts from this blog

ĐỌC SÁCH: "VIỆT NAM THỜI PHÁP ĐÔ HỘ" - NGUYỄN THẾ ANH

  Cũng nhiều lần đọc sách sử, nhưng dường như lần nào cũng thấy rất mơ hồ, không tìm được cảm giác thích thú. Với cuốn “Việt Nam thời Pháp đô hộ" của Nguyễn Thế Anh này, muốn thêm một lần thử sức xem sao? Sau khi đọc qua hết toàn bộ cuốn sách và có được cảm nhận chung ban đầu, quyết định chỉ đọc kỹ và viết về Chương III của Phần Hai: Các sự biến đổi xã hội. Tập trung để không bị quá tải.  Đây là lần đọc nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Kiên nhẫn và dành nhiều thời gian để suy nghĩ.  Vậy nhưng, thấy gì? Vẫn như mọi lần: lạc lối. Dù chỉ hơn 30 trang sách.  Có lẽ như này: nhiều luận điểm được trình bày, nhưng theo kiểu chắp nối lại chứ không có một sự tổ chức và giải thích đủ sâu để ta thấy được ý nghĩa cùng tầm quan trọng của chúng. Sự lan man này của các luận điểm vô hình chung đã tạo ra rào cản lớn với việc tiếp nhận các sử liệu. Nói gọn lại: không có mạch tư duy sáng rõ dẫn lối, con chữ trở nên tăm tối.  * Một hướng tiếp cận: tách tất cả sử liệu ra khỏi sự rối...

TRÒ CHUYỆN: SƯ MINH TUỆ TRONG TÔI

Tôi ấn tượng nhất về sự chân thành toát ra từ sư Minh Tuệ. Sư có phải thực sự một thánh nhân hay không, chưa ai có thể chắc chắn, nhưng khó ai có thể không nhìn ra sự giản dị và trung thực trong từng cử chỉ, lời nói của sư. Đôi mắt ấy của sư ngay khi nhìn vào trong tôi đã nảy sinh ngay một sự cảm mến và tin cậy. Nhờ truyền thông đại chúng mà những người dân Việt Nam như tôi, và cả người dân trên khắp thế giới đã biết đến sư. Mười ba hạnh đầu đà sư nghiêm trì đã khiến lòng người cảm động. Đức hạnh của sư như một tấm gương để chúng sinh nhìn vào học tập, đồng thời trở thành một tiêu chuẩn để phân định đâu mới thực sự là một tu sĩ Phật giáo chân chính. Đến cả tính mạng sư cũng đã không còn vướng bận chứ đừng nói gì tới tiền bạc hay danh vọng. Liệu con đường tu hành khổ hạnh như thế có thật sự dẫn tới sự chứng ngộ chấm dứt mọi khổ đau? Câu hỏi đó ta hãy tạm gác sang bên mà dành một sự kính ngưỡng trước nghị lực phi thường của sư suốt 6 năm tu hành trong cô độc. Tuy nhiên cũng có rất nhiều ...