Cũng nhiều lần đọc sách sử, nhưng dường như lần nào cũng thấy rất mơ hồ, không tìm được cảm giác thích thú. Với cuốn “Việt Nam thời Pháp đô hộ" của Nguyễn Thế Anh này, muốn thêm một lần thử sức xem sao?
Sau khi đọc qua hết toàn bộ cuốn sách và có được cảm nhận chung ban đầu, quyết định chỉ đọc kỹ và viết về Chương III của Phần Hai: Các sự biến đổi xã hội. Tập trung để không bị quá tải.
Đây là lần đọc nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Kiên nhẫn và dành nhiều thời gian để suy nghĩ.
Vậy nhưng, thấy gì? Vẫn như mọi lần: lạc lối. Dù chỉ hơn 30 trang sách.
Có lẽ như này: nhiều luận điểm được trình bày, nhưng theo kiểu chắp nối lại chứ không có một sự tổ chức và giải thích đủ sâu để ta thấy được ý nghĩa cùng tầm quan trọng của chúng. Sự lan man này của các luận điểm vô hình chung đã tạo ra rào cản lớn với việc tiếp nhận các sử liệu. Nói gọn lại: không có mạch tư duy sáng rõ dẫn lối, con chữ trở nên tăm tối.
*
Một hướng tiếp cận: tách tất cả sử liệu ra khỏi sự rối bời của các luận điểm. Theo cách này, sử liệu, tuy rời rạc nhưng tự chúng vốn đã có nghĩa, nay không còn bị các luận điểm che mờ đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Thử liệt kê dưới đây một vài sử liệu đáng chú ý:
Nhiều nhà văn hóa như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Phan Kế Bính (1875-1921), Phạm Quỳnh (1892-1945), Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) v.v... đã làm cho chữ quốc ngữ trở thành một dụng cụ có khả năng phát biểu mọi tình tự, mọi quan niệm văn chương và khoa học. Năm 1939, có 48 nhật báo, 68 tập san và 292 tác phẩm xuất bản bằng chữ quốc ngữ, cho phép hoàn thiện và phổ cập nền quốc văn mới này.
Năm 1906 Toàn quyền Paul Beau thiết lập Hội đồng cải thiện Giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l'Enseignement Indigène). Nguyên tắc giáo dục căn bản là "giáo huấn khối quần chúng và trích ra một thiểu số ưu tú"; chủ trương chính là dân bản xứ phải bắt đầu sự học vấn trong những trường tiểu học dạy chữ quốc ngữ và chỉ những phần tử thông minh nhất mới lên học những lớp cao đẳng tiểu học trong các trường "franco annamites" để sau này có thể theo học những trường trung học mà chương trình giảng huấn hoàn toàn là chương trình Pháp.
Đa số các đại điền chủ không trực tiếp canh tác đất đai của họ, 80% đất ở Nam kỳ (1800000ha) được phân chia thành những tô địa rộng từ 5 đến 10ha để giao cho tá điền cày. Điền chủ cung cấp đất và trả thuế, còn tá điền phải góp sức lao động, ngưu canh điền khí, và mỗi năm trả cho điền chủ trung bình một nửa số thóc gặt được.
Vào năm 1939, số các đại điền chủ ở Việt Nam là 6800 người, 6300 ở Nam kỳ và 500 ở Bắc kỳ và Trung kỳ; có những người có những địa sản mênh mông, như Trương Văn Bền làm chủ 18000ha đất, hay Trương Đại Danh làm chủ 8000ha đất.
Sau Đệ nhất thế chiến, sự phát triển của các đồn điền cao su đòi hỏi phải di chuyển xuống miền Nam một số lớn nhân công của xứ Bắc kỳ và Trung kỳ: các khế ước lao động không được ký kết cho một thời hạn ngắn nữa, mà trở thành những khế ước dài hạn, thường là ba năm. Sự tuyển mộ phu đồn điền được tổ chức qua trung gian các sở mộ phu. Vì được trả từ 10 đến 20$ cho mỗi người phu mộ được, các người cai này đã dùng đủ mọi cách, thường là những sự đe dọa, để bắt phu. Nhưng các điều kiện làm việc trong các đồn điền rất nặng nhọc: phu thợ không đủ ăn, bị đe dọa bởi bệnh sốt rét ngã nước, bị bóc lột bởi các cai thợ, và bị trừng phạt nặng nề nếu phá khế ước. Vì vậy mà số phu đồn điền bỏ trốn tăng lên nhiều (846 năm 1924, 4.484 năm 1926).
Bây giờ, ta xét một hướng tiếp cận khác: tổng hợp thông tin theo cách riêng. Vẫn bám sát chủ đề chính: các sự biến đổi xã hội, nhưng sẽ tập trung vào số ít các điểm quan trọng đồng thời lược bớt đi các sử liệu.
Ba sự biến đổi của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc:
Sự gia tăng dân số
Mặc dù trong suốt thời Pháp thuộc đã không có được những sự điều tra nhân khẩu chặt chẽ và đúng đắn, tuy nhiên giữa năm 1870 và năm 1945, dân số Việt Nam nói chung đã tăng lên gấp đôi. Năm 1870, dân số Nam kỳ là dưới 2 triệu, Trung kỳ dưới 4 triệu, Bắc kỳ dưới 5 triệu. Cho tới năm 1943, dân số Nam kỳ đạt 4,2 triệu, Trung kỳ 6,2 triệu, và Bắc kỳ 9,6 triệu. Dân cư Nam kỳ gia tăng mạnh hơn cả căn bản là bởi sự di dân từ những vùng khác tới: mỗi năm trung bình có 25000 người từ Bắc kỳ hay Trung kỳ tới lập cư ở những vùng đất mới của miền Nam. Ngoài ra, dưới sự đô hộ của người Pháp, số người ngoại kiều tới lập cư ở Việt Nam cũng trở nên đông đảo. Sự gia tăng dân số này chắc chắn một phần là thành quả của sự cai trị của người Pháp: sự đảm bảo an ninh nội bộ, loại bỏ nạn tặc khấu; các biện pháp hiệu quả phòng chống lũ lụt; sự phát triển y học…Các cơ quan y tế và vệ sinh ở Việt Nam là những cơ quan miễn phí mà không một tổ chức y tế nào ở Đông Nam Á thời bấy giờ có thể bì kịp.
Sự thay thế Hán tự sang chữ quốc ngữ
Riêng về phần này ta không tìm được một sử liệu nào phù hợp trong bài viết để triển khai nội dung.
Sự ra đời của giai cấp vô sản
Sự hiện diện của các xí nghiệp tư bản ngoại quốc cùng với sự phát triển của các hình thức khai thác kinh tế tư bản đã làm nảy nở trong những năm 1890-1919 một giai cấp lao động vô sản mà xã hội truyền thống Việt Nam chưa bao giờ biết đến. Giữa năm 1910 và 1940, vì điều kiện sinh sống ở nông thôn quá chật vật, hàng triệu nông dân đã phải bỏ làng để sống một đời sống vô sản lao động trong các mỏ, các đồn điền hay các xưởng máy. Giữa người thợ và làng quê tồn tại những dây liên lạc chặt chẽ: người thợ không đem gia đình tới nơi làm việc, mà để gia đình ở lại làng và gửi về làng một phần đồng lương kiếm được; họ trở về làng không những trong các trường hợp đình công hay thất nghiệp, mà còn để làm công việc đồng áng hay trong những dịp lễ lạt hội hè nữa.
Câu hỏi đáng lý ra cần được trả lời đầu tiên: “Một sự biến đổi xã hội là như thế nào?” Chúng ta cần một tiêu chí rõ ràng để đánh giá, nhưng ở đây mình tạm bỏ ngỏ. Ba sự biến đổi xã hội trên được chọn chủ yếu vì bản thân mình thấy chúng quan trọng và ấn tượng. Tuy chỉ là một sự tóm lược hết sức đơn giản nhưng cách tiếp cận này đã lập cho ta một phương hướng đúng đắn và rõ ràng để đào sâu hơn tư duy, khiến trí óc ta thêm tò mò và thích thú để đặt ra những câu hỏi mới. Cái biết của ta không còn lệ thuộc vào cái biết của tác giả, mà ta chủ động để khám phá ra chúng theo cách riêng mình.
Comments
Post a Comment