Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần để thấy được cốt lõi tư tưởng của Krishnamurti trong cuốn "Trường học không sợ hãi" này. Những điều mà ông nói gây cho ta cảm giác đồng tình ngay từ ban đầu, nhưng một khi ta muốn đi tới một hiểu biết rốt ráo thì ngay lập tức trí óc ta trở nên mơ hồ. Ta tưởng mình hiểu, nhưng thật ra không hiểu gì cả. Hoá ra, để nhìn cho thấy cái đúng, ta buộc phải thấy những quan niệm sai lầm ông mắc phải. Gỡ bỏ những rối rắm do cái nhìn sai lệch tạo ra, ta sẽ thấy rõ ngay cái gì có giá trị chân lý. Khó tránh được việc tự ngờ vực bản thân khi ta dám phản biện lại tư tưởng của một nhà hiền triết có tầm ảnh hướng lớn như Krishnamurti, nhưng một khi đã nhìn ra thì ta không thể nào không nói. Sự thật thì luôn ở đó trần trụi, chỉ là ta không thấy, hoặc không dám tin.
*

“Chúng ta đang trang bị cho các cô bé cậu bé này phương cách nào để đón nhận những thử thách mới hoặc bất kỳ thử thách nào của cuộc sống? Các bạn thấy đấy, các nền văn minh đến rồi đi, nhiều nền văn hoá khác nhau đạt đỉnh cao nhất định rồi sụp đổ, hoặc lay lắt được một thời gian rồi biến mất. Tôi tự hỏi liệu có phải ở Ấn độ chúng ta cũng đang trải qua quá trình đó hay không, có phải chúng ta với tư cách một nền văn minh, một nền văn hoá, đang suy tàn hoặc chỉ đang tồn tại lay lắt, hoặc hoàn toàn chẳng có gì mới nữa cả. Bạn phải quan tâm đến vấn đề này vì đấy là vấn đề đang thách thức cả thế giới. Chúng ta, một nhóm giáo viên, đang trang bị cho học sinh những cách thức để đáp lại thách thức này hay chỉ đang đơn thuần bắt buộc các em hoặc giúp đỡ các em tuân thủ một xã hội nhất định, một xã hội đã có mô thức rất rõ ràng? Nếu đó không phải là công việc chúng ta đang làm, thế thì chúng ta đang cố gắng làm việc gì? Tôn giáo đã suy thoái hoàn toàn trên khắp thế giới, mọi thứ đang tan rã, còn chúng ta với tư cách một nhóm giáo viên thì đang cố gắng làm gì? Hay chúng ta không nhận thức được những gì đang diễn ra ở ngay cả Ấn Độ này? Chứng kiến những kẻ độc tài, những người mê tín dị đoan, chứng kiến sự mục nát ấy phản ứng của chúng ta là gì? Rõ ràng với tư cách là giáo viên chúng ta cũng có những trách nhiệm nhất định. Hay là chúng ta chẳng mảy may bận tâm đến những chuyện đó mà chỉ tập trung giúp học sinh vượt qua vài kỳ thi tàn bạo?” (tr.31)
Hay như:
“Tôi có một cậu con trai, tôi muốn nó được giáo dục sao cho nó hiểu cuộc sống, cuộc sống ở đây không phải là cuộc sống của ngài Gandhi hay của ông X mà là cuộc sống nó phải sống, cuộc sống có những lúc nản lòng, có cái chết, tình dục, thiền, tôn giáo, Thượng đế. Tôi muốn nó có những hiểu biết căn bản, muốn nó luôn biết đặt ra những câu hỏi căn bản, và luôn có những hồi đáp căn bản. Nếu tôi gửi con trai mình đến đây tôi không muốn nó chỉ đơn giản hoàn thành việc thi cử. Tôi muốn các bạn giúp nó hiểu cuộc sống theo nghĩa rộng hơn, giúp nó biết đặt những câu hỏi căn bản vốn sẽ giúp nó đối mặt với cuộc sống trong quá trình trưởng thành cũng như giúp nó có những câu trả lời căn bản, không phải chỉ là những câu trả lời của Gandhi, của Đức Phật hay từ một cuốn sách nào đó mà là những câu trả lời căn bản cho những câu hỏi căn bản. Tôi sẽ cân nhắc kiểu giáo dục đó. Các bạn có xem đó là lối giáo dục đúng đắn không?” (tr.135)
*
Thi cử, một hoạt động căn bản trong giáo dục thì Krishnamurti phản đối kịch liệt. Ông gán đặt thi cử như là nguồn cơn sinh ra tinh thần ganh đua, và xa hơn nữa, là thứ dẫn đến tham vọng và sự huỷ hoại toàn đời sống. “Thi cử bao hàm so sánh, ganh đua. Tôi đang nói về tinh thần ganh đua, tinh thần cố gắng vượt trên người khác, cố tỏ ra công việc của tôi tốt hơn công việc của bạn, cha tôi tốt hơn cha bạn, ông ấy có nhiều tiền hơn. Chẳng phải chức năng của nhà giáo dục là ngăn chặn cũng như chỉnh đốn tình trạng này sao? Khi các bạn nói là ở đây không có ganh đua, các bạn có hiểu tất cả những hàm ý của câu này không? Đọc lịch sử các bạn sẽ thấy lúc nào cũng có người hùng, và các cậu bé sẽ nói “Con muốn được giống như ông ấy.” Đó chính là ganh đua, so sánh. Đừng nói rằng chuyện đó không có ở đây; nó có, cả theo cách thô thiển lẫn theo cách tinh vi. Chúng ta đang nói về những điều sâu xa hơn nhiều - tinh thần ganh đua, tinh thần so sánh, chúng sẽ dẫn tới tham vọng, mà tham vọng là thứ hủy hoại ghê gớm nhất vì khi đó bạn không yêu thích việc bạn đang làm nữa.” (tr. 43) Và một khi đã quan niệm như thế, lẽ dĩ nhiên ông đi tới quyết định muốn xóa bỏ hoàn toàn thi cử cùng tất cả những hệ luỵ sai trái của nó: “Văn hoá đang suy đồi vì tinh thần cạnh tranh khủng khiếp này, với những tham vọng, so sánh và quy kết của nó, và chúng ta có thể xoá bỏ hẳn nó ở trường này không?” (tr.47)
Có thể thấy, việc cho rằng thi cử là nguồn cơn của sự huỷ hoại tinh thần con trẻ như thế, không khác gì định kiến sai lầm rằng tiền bạc là nguồn cơn sinh ra tội ác. Ta nhìn vào sự biểu hiện của tinh thần ganh đua trong hoạt động thi cử và cho rằng thi cử sinh ra ganh đua, nhìn vào tội ác sinh ra từ tranh giành tiền bạc và cho rằng tiền sinh ra tội ác. Thanh gươm thiện hay ác đâu phải bởi thanh gươm mà do kẻ cầm gươm. Cái lẽ đơn giản ấy có thể nào ta không nhìn ra được? Sự thật, thi cử là cần thiết và không thể xóa bỏ trong giáo dục. Bởi vốn dĩ, giáo dục ngay từ đầu chỉ là nơi để giúp đỡ học sinh rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, mà đã là kỹ năng thì cần phải có đánh giá. Đúng là không cần những điểm số, thậm chí không cần những kỳ thi, nhưng mọi sự đánh giá bao giờ cũng cần một tiêu chuẩn theo cách này hay cách khác, và như thế sẽ buộc phải có sự so sánh. Nhờ tiêu chuẩn và sự đánh giá, người ta mới biết mình đang ở đâu trên nấc thang nghề nghiệp, yếu hay giỏi điểm gì. Ganh đua, tham vọng không sinh ra từ thi cử, mà sinh ra do hiểu biết lệch lạc nơi mỗi người, chỉ nhìn vào cái so sánh bề ngoài và lấy đó làm động cơ học tập. Như thế, vấn đề ở đây là ta phải giáo dục con trẻ hiểu biết đúng ý nghĩa của thi cử và điểm số chứ không biến chúng thành thứ chi phối tinh thần học tập. Còn sự ganh đua và tham vọng, liệu có thể nào dễ dàng xóa bỏ được? Công việc đó đâu thể nào chỉ giới hạn lại trong trường học. Người ta phải ra ngoài, đi vào xã hội, trải nghiệm nếm trải đời sống, và cần nhiều thời gian để va vấp và trưởng thành. Tâm linh là một hành trình xa rộng và không bao giờ có thể nén được cho vừa vào trường học hay giáo dục, thứ vốn ngắn hạn và phục vụ cho những lợi ích cụ thể.
*
Vậy tới lúc này khi đã xác quyết điểm nhầm lẫn trong tư tưởng của Krishnamurti ta sẽ đi tới một hành động: trả giáo dục về đúng vai trò cơ bản và thực tiễn của nó, còn tất cả những quan niệm về giáo dục của Krishnamurti ta sẽ coi như đó là quan niệm tâm linh. Bất kì nơi nào mà ông nói về trách nhiệm của giáo dục thì ta sẽ bỏ đi và chỉ tập trung vào cái lý tưởng mà ông muốn đạt tới. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp ta nhìn thấy rõ ràng tầm nhìn của Krishnamurti, và từ đó ta mới có được sự trân trọng theo một cách đúng đắn giá trị cao đẹp trong tư tưởng của ông.
Tâm điểm tư tưởng của Krishnamurti trong cuốn sách này là hình ảnh lý tưởng về con người mới. Đó là con người như thế nào? Krishnamurti gọi họ là con người đồng bộ. Quan niệm về con người lý tưởng này mãi cho tới những buổi đàm thoại cuối cùng mới được diễn bày một cách tương đối đầy đủ: “Rõ ràng đó là một sinh thể không mang trong mình bất kì sự tự mâu thuẫn nào, một sinh thể toàn diện, đồng bộ chứ không phải một nhân cách đầy bất ổn, bị tâm thần phân liệt. Có lòng tin khác với tự tin, và con người có lòng tin ấy nói, “Tôi có thể suy nghĩ, có thể sống, vì tôi biết tôi có thể làm gì đó với đôi tay hoặc khối óc của mình”. Con người ấy không sợ đối mặt với cuộc sống, không mang mâu thuẫn nào trong mình, tức là con người ấy có thể đối diện với các vấn đề, giải quyết chúng, hiểu chúng, và không chịu ảnh hưởng của những thứ mê tín, khoa học hay cổ xưa. Con người ấy có khả năng suy nghĩ để làm sáng tỏ những vấn đề đó và hiểu mối quan hệ của mình. Đó là những gì chúng ta muốn nói tới con người đồng bộ: một con người có năng lực và biết cách biến năng lực ấy thành hành động, đồng thời có khả năng tư duy - chứ không phải là biết nên tư duy về cái gì - và do đó có lòng tin.” (tr.319)
Con người động bộ là một con người tự do, tức là con người mà có thể vượt thoát tất cả mọi trói buộc, huỷ hoại bên trong lẫn bên ngoài, không còn sợ hãi hay tham vọng, có trí thông minh và bản lĩnh để kiến tạo cuộc đời mới của chính mình. Họ thậm chí vượt ra bên ngoài mọi trói buộc của truyền thống, xã hội, hay tất cả những mục tiêu thế tục để hướng tới sự kết nối với một thực tại tâm linh siêu việt mà Krishnamurti gọi là Thượng đế, hay tính thiêng: “Toàn bộ con người của mỗi chúng ta là gì? Những hoạt động hữu thức cũng như vô thức của con người, những ức chế bên trong và những hành động phát sinh từ những ức chế đó, những dạng thôi thúc khác nhau, những dạng năng lực khác nhau, khả năng suy nghĩ, làm, làm việc bằng tay, khả năng làm thơ, vẽ tranh. Đó là những gì chúng ta muốn nói đến khi chúng ta nói về một con người đồng bộ, và còn hơn thế nữa. Tất cả những thứ đó đơn thuần là biểu hiện bên ngoài của thứ gì đó sâu xa hơn hẳn bên trong - có thể suy nghĩ độc lập, có tính cách riêng, có thể chống đỡ với xã hội, có thể làm theo ý kiến riêng bất chấp dư luận và hưởng lợi từ việc đó, có thể làm theo điều mình cho là đúng và đối diện với các vấn đề như một con người hoàn chỉnh mà không sợ hãi. Có những người chỉ đồng bộ ở bên ngoài; họ hoàn toàn bị hút vào thứ gì đó. Nhưng người đồng bộ thì không chỉ đồng bộ ở bề ngoài; những hoạt động của họ dựa trên sở thích của họ, và sâu xa hơn, dựa trên cảm nhận về tính thiêng. Thiếu đi cảm nhận đó sự đồng bộ chẳng có ý nghĩa gì.” (tr.252)
*
Mục đích đã xác lập thì còn lại sẽ là con đường. Phải ý thức rằng “Chúng ta phải làm thế nào để kiến tạo nên một con người đồng bộ?" là một câu hỏi sai bởi vốn dĩ tự do là thành tựu của mỗi cá nhân trong công cuộc giải phóng chính mình khỏi tăm tối. Hỏi như thế là ta đang nhìn vào kẻ khác chiếm lấy cái trách nhiệm vốn thuộc về họ. Câu hỏi đúng phải là: “Làm thế nào để tôi trở thành con người đồng bộ?” Nói cách khác lý tưởng con người đồng bộ phải được mỗi cá nhân tìm cách hiện thực hóa trong chính mình chứ không trông đợi từ bất kì ai khác. Tự do không phải là thứ có thể ban phát, cứu rỗi.
Xác định được tinh thần trách nhiệm đó ta mới có thể bắt đầu hành trình đi vào thế giới tinh thần để thực hiện cuộc cách mạng tâm linh. Krishnamurti đã chỉ bày cho ta phương pháp trực tiếp nhất để giải thoát khỏi bóng tối: đối diện. Tự nhìn vào chính mình và ta thấy những xúc cảm, ý nghĩ, khao khát, sợ hãi,...đang trỗi dậy và chi phối cuộc sống ta. Và trách nhiệm đầu tiên của ta khi muốn sống như một con người tự chủ là: phải thấy ta cho rõ. Ta can đảm, dồn tâm sức để hiểu, hay là ta trốn chạy, hay mặc nhiên coi chúng là bình thường?
Krishnamurti không nói về sự quan sát này trong một bài nói chuyện riêng biệt một cách có hệ thống mà tản mác trong các tình huống khác nhau. Ở đây, chúng ta cần phải tập hợp chúng lại, dựa vào những đầu mối tương đối mơ hồ để tổng hợp trong trí tưởng một hình dung về một ý tưởng cốt lõi mà ta tạm gọi là nghệ thuật quan sát:
a. Cách nhìn quyết định cái được nhìn thấy
“Krishnamurti: Những khát khao dang dở và những khát khao đã viên mãn. Các bạn khám phá ra thứ gì trong tủ của mình? Có thể là các bạn không muốn nhìn và do đó sẽ không tham gia cuộc thảo luận này. Nhưng nếu các bạn muốn nhìn thì hãy cùng thảo luận, đừng im lặng. Nếu các bạn nói “Tôi muốn làm sáng tỏ", chúng ta sẽ cùng bám sát vấn đề này. Nào, nhìn vào chiếc tủ chúng ta thấy gì?
Giáo viên: Nỗi đau, rất nhiều cảm xúc đau đớn khác nhau.
Krishnamurti: Làm sao các bạn khám phá được như thế? Trước tiên, các bạn có khả năng nhìn không? Muốn nhìn vào chính mình các bạn phải có một cái nhìn hết sức rõ ràng chứ không chỉ là liếc mắt thoáng qua. Trước hết các bạn phải biết mình sẽ nhìn như thế nào. Các bạn chưa biết trong tủ có gì, các bạn chưa mở nó ra. Các bạn sẽ nhìn vào những thứ bên trong tủ như thế nào? Vì tùy theo cái nhìn đó các bạn sẽ quyết định mình thấy gì và không thấy gì. Thế nên cái nhìn của các bạn là cái tủ của các bạn. Cách các bạn nhìn vào cái tủ chính là cái tủ. Vậy thì trước khi mở nó ra các bạn phải biết mình sẽ nhìn vào nó như thế nào. Nếu tôi không biết phải nhìn vào hoàng hôn như thế nào thì sẽ chẳng có hoàng hôn nào cả. Nhưng nếu tôi biết cách trân quý những vệt sáng và những vệt tối, những chiều sâu và những vệt tối dài, thì tôi sẽ nhìn thấy hoàng hôn.” (tr.139)
b. Nhìn mà không diễn giải hay phủ nhận
“Tại sao tâm trí không thể làm thế này: nhìn ra thực tế đó mà không hề diễn giải nó thành chuyện gì khủng khiếp và rồi phủ nhận nó? Đừng gọi nó bằng bất cứ cái tên nào mà chỉ cần nói “Đời là thế". Tại sao tâm trí không chịu làm như thế? Các bạn đang sợ ư? Tại sao các bạn nhìn ra thực tế đó? Nếu các bạn nhìn ra thì vấn đề của các bạn đã được giải quyết. Tại sao tâm trí không chịu nhìn thấy thực tế đó mà bám vào thứ hoàn toàn không phải thực tế? Tại sao tôi không chịu nhìn ra thực tế rằng tôi là kẻ dối trá hoặc ngu ngốc? Vì tôi cho mình là tuyệt đỉnh thông minh ư?” (tr.169)
c. Nhìn và thấy một cách chân thật và trực tiếp, không mang theo ký ức
“Tại sao tôi không chịu nhìn ra thực tế đơn giản rằng cuộc sống này chỉ là thoáng qua? Nói thế không có nghĩa thế giới này là maya. Nếu tôi thấy rằng cuộc sống này là phù du thì cả thế giới sẽ mang nghĩa khác hẳn - không phải maya mà là cả một ý nghĩa hoàn toàn khác. Các bạn có thấy các triết gia đã làm gì không? Họ nhìn thấy dòng chảy ào ạt của cuộc sống và thế là họ gọi sống là một maya, tức là họ chưa bao giờ thực sự nhìn ra sự phù du của cuộc sống. Người ta đã từng giả định và phỏng đoán rằng thế giới là một maya, nhưng nếu họ thực sự cảm nhận được điều đó thì những ứng xử xã hội của họ đã phải khác đi…Tại sao các bạn không thấy đây là một thực tế? Tại sao chúng ta không chịu nhìn ra một thực tế, chỉ nhìn ra nó thôi chứ không phải có ý kiến gì về nó? Khi ấy thực tế đó sẽ tác động đến chúng ta. Chẳng phải chuyện này thật phi thường sao? Hãy nhìn xem tại sao tâm trí không chịu đối diện thực tế…Tại sao tâm trí lại có một nhận định nào đó về một thực tế? Các bạn có nghĩ chuyện này liên quan đến giáo dục không? Tại sao tôi lại có ý kiến về bạn? Thực tế là S đang diện diện nhưng tôi lại có ý kiến về cô ấy. Tại sao? Tại sao tôi không gặp S hàng ngày bất chấp là cô ấy đã xúc phạm tôi sao? Nếu tôi đừng nhìn thực tế thành ký ức mà thực tế dưới dạng một phản ứng đã mang tới cho tôi, để rồi ký ức ấy tô màu cảm nhận của tôi về thực tế đó, mà chỉ nhìn một thực tế đúng như là một thực tế thì việc đó mang một ý nghĩa phi thường.” (tr.174)
d. Quan sát tâm với một ý thức chủ động
“Vậy liệu tôi có thể chỉ quan sát những phải ứng của thói quen đó chứ không can thiệp, không cho nó sức sống không? Tức là khi S yêu cầu tôi hoặc bạn làm gì đó, tôi có đang đáp lại theo những động cơ cũ dựa trên nỗi sợ, niềm vui, sự tiến bộ riêng của mình không? Hay tôi đang quan sát cách mình phản ứng, do đó tôi bắt đầu chủ động trao đổi với S và nói tôi không đồng ý? Tôi trở nên cởi mở. Tôi không còn khẳng định, không còn cư xử độc đoán, thái độ ấy khác hẳn với thái độ khăng khăng độc đoán trước đây. Thật may mắn hoặc thật đáng tiếc bạn đang là hiệu trưởng, còn tôi là một trong cách giáo viên. Bạn yêu cầu tôi làm gì đó. Trước đây tôi thực thi một cách cay đắng, trong thâm tâm tôi chống đối nhưng bên ngoài thì tôi vẫn thực thi. Còn bây giờ chuyện gì đã xảy ra? Tôi muốn tìm hiểu lời bạn nói là đúng hay sai và tôi đang phản ứng ra sao với chúng. Tôi sẽ làm sáng tỏ chuyện đó. Việc ấy tác động như thế nào đến tôi? Nó đã giải phóng nơi tôi sự chủ động. Đó là điều quan trọng nhất - giải phóng sự chủ động trong tôi. Không phải tôi đang chống lại những thói quen cũ, bạn có bị đuổi việc tôi thì tôi cũng không quan tâm. Giờ đây tôi đã nhận ra tâm trí hoạt động như thế nào. Một khi tôi biết điều đó thì dù bạn có đuổi việc tôi hay không, dù tôi có sống ở đây hay ở bên kia sông thì giữa chúng t ta vẫn có điều gì đó. Khi ấy bạn không cần doạ nạt tôi nữa: tôi đang làm việc đó Toàn bộ chuyện này đã qua rồi. Khi tôi không bận tâm tới việc đó thì một điều gì đó khác hẳn đã diễn ra. Tôi chỉ quan tâm đến việc này - quan sát những ý nghĩ, động cơ, chủ định, niềm thôi thúc trong tôi và những thứ đang tiêu tan trong tôi”. (tr.247)
e. Theo đuổi một cách tỉnh táo
“Bây giờ bạn đang né tránh việc suy nghĩ. Nghĩ về từng ý nghĩ là một dạng né tránh. Tại sao bạn làm như thế khi một ý nghĩ trỗi dậy? Vì bạn muốn giũ bỏ hoặc giữ lại ý nghĩ đó. Bạn muốn thấy nó là dạng ý nghĩ gì, tại sao bạn lại có những ý nghĩ nào đó. Khi bạn đã quyết định thì bạn sẽ làm gì? Bạn giữ ý nghĩ ấy hoặc bác bỏ nó. Tức là chủ định của bạn là bỏ nó đi hoặc giữ nó lại, hoặc bằng cách nào đó làm nó thay đổi. Nếu việc ấy đã rõ thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Bạn sẽ mời gọi những ý nghĩ đến thêm. Tâm trí sẽ mời gọi những ý nghĩ đến thêm. Về mặt tâm lý học chuyện này đúng là như thế. Xin hãy theo sát vấn đề này.
Bây giờ những ý nghĩ trỗi dậy và bạn tìm hiểu chúng, dán nhãn chúng; bạn đang tìm hiểu sau khi chúng đã đến. Khi bạn nhận ra việc ấy là vô ích thì tâm trí sẽ mời gọi thêm nhiều ý nghĩ mới, bất kể chúng là gì chăng nữa. Chẳng hạn, tôi đang ghen tị hoặc sợ hãi. Thế là tâm trí nhìn vào cảm xúc đó để giũ bỏ nó. Nỗi sợ đến, và tôi xem xét nó, rồi nó lắng xuống. Sau đó nó lại đến, tôi lại xem xét nó, và nó lại lắng xuống. Tôi cứ lặp đi lặp lại trò chơi này như thế, nhưng nếu tôi nhìn ra nó vô ích thế nào thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi mời gọi nỗi sợ, phải thế không? Khi ấy tâm trí theo đuổi nỗi sợ. Tôi không biết các bạn có đang theo sát vấn đề này không. Khi một ý nghĩ liên quan đến nỗi sợ trỗi dậy, nó được gọi là ý nghĩ không tự nguyện. Nó đến, bạn xem xet nó, và nó đi. Nhưng liệu tâm trí có thể nói thế này không, "Đó không phải là cách xử lý một ý nghĩ, mà tôi đang theo đuổi nó, đi theo nó? Các bạn chưa làm tất cả những việc này. Ai đó đang cằn nhằn bạn, và tôi nói trốn chạy cũng chẳng ích gì. Thể là bạn theo đuổi nó để làm cho ra nhẽ, rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ thấy một điều phi thường. Những lời cằn nhằn kia ngừng bặt vì tâm trí đang theo đuổi một cách hoàn toàn tỉnh táo. Trước đây nó bị theo đuối bây giờ bạn đã hoàn toàn tỉnh táo để theo đuổi bất kỳ ý nghĩ nào. Chuyện đó khá đơn giản.
Ban làm gì khi bạn ra ngoài đi dạo? Những ý nghĩ xuất hiện và bạn đã nhận ra chúng; chúng lại quay trở lại và cứ quay lại như thế hết lần này đến lần khác. Vậy tôi nói, cách ấy sẽ không chấm dứt việc này được đâu, cách ấy vô ích. Nhưng nếu bạn đi theo suy nghĩ ấy, mời gọi nó, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tâm trí bạn đột nhiên vô cùng tỉnh táo để theo đuổi, để làm sáng tỏ; bạn mời nó đến để nhìn vào nó. Đừng đợi một ý nghĩ đến, mà hãy tỉnh táo để có thể theo đuổi nó ngay khi nó xuất hiện, khi ấy bạn sẽ thấy tâm trí không tỉnh táo một cách ngắt quãng; nó đang rộng mở, nó mời gọi mọi thứ đến để tìm hiểu. Bạn không còn để ý nghĩ trỗi dậy rồi mới xem xét chúng để tìm hiểu động cơ đằng sau chúng mà giờ bạn theo đuổi chúng…
Bạn không tỉnh táo khi ý nghĩ đến, rồi sau đó bạn đánh thức mình dậy bằng cách xem xét nó. Bạn có thấy điều gì đang xảy ra trong tâm trí không? Bạn cho là bạn tự đánh thức mình khi bạn xem xét như thế, nhưng không hề; bạn thấy rằng đó không phải là trạng thái tỉnh thức. Bây giờ thay vì để nỗi sợ trỗi dậy rồi mới xem xét nó, tôi sẽ theo đuổi nó hoặc mời gọi nó, để tôi biết phải xử lý nó ra sao. Giống như vị khách được mời - nó được chào đón nồng nhiệt. Hãy làm tương tự với những gì chúng ta đã thảo luận hôm nay và hôm qua. Đừng để ý nghĩ trỗi dậy rồi mới xem xét nó mà hãy tỉnh táo để xem xét nó. Các bạn có hiểu không? Các bạn có chắc là các bạn hiểu không? Khi ấy các bạn sẽ thấy tâm trí mình khác đi: nó tỉnh táo.” (tr. 247-250)
*
Tới đây ta chưa hẳn thoả mãn với những gì mình đúc kết được, nhưng cũng đã có thể vui mừng vì thấy và xác định được chính xác những ý tưởng quan trọng bằng cách đặt nó vào một góc nhìn đúng đắn. Mạch tư tưởng của Krishnamurti trở nên trong sáng và mạch lạc hơn rất nhiều khi ta bóc tách chúng ra khỏi sự trói buộc nhập nhằng của ý niệm giáo dục. Giáo dục không nên gánh lấy những trách nhiệm không thuộc về nó. Những người thầy cũng không cần thiết phải trở thành những con người lý tưởng kia thì mới đủ tư cách dạy dỗ học sinh. Họ chỉ cần đảm bảo tốt chuyên môn nghề nghiệp của mình, giữ cái đạo đức nghề nghiệp, không gian dối, không sử dụng bạo lực trong giảng dạy,...nói chung là những đòi hỏi hết sức thực tiễn. Trường học không thể mang tới tự do cho học sinh. Tự do là trải nghiệm tinh thần nơi mỗi người; nếu một con người đã sống trong tinh thần tự do thì ở bất kì nơi đâu anh ta cũng tự do. Tự do tinh thần theo nghĩa đó là tuyệt đối, không gì có thể kiểm soát được. Với tinh thần tự do đó cùng một bản lĩnh lớn ta có thể đi vào ngay cả những nơi chốn độc hại, sống trong những truyền thống cổ hủ mà vẫn giữ được tâm mình ngời sáng.
Comments
Post a Comment