Viết, giống như trò chuyện, về cơ bản đều là sự truyền đạt thông tin giữa ta và người. Bởi có kẻ khác ta ấy mà nảy sinh ra nhu cầu để nói ra, và cũng chính sự có mặt của kẻ khác ảnh hưởng quyết định lên cách ta nói, hay viết. Có ba cấp độ giao tiếp mà mỗi cấp độ cần một cách nói riêng: nói cho chính mình, nói cho một nhóm người, và nói cho một toàn thể rộng lớn không xác định.
Sự khác biệt đầu tiên nằm ở cách xưng hô. Nói cho chính mình, ta có thể loại bỏ hoàn toàn chủ thể “tôi” ra khỏi văn bản, bởi khi đó, ta chính là kẻ đang chứng kiến cái ta viết rồi. Ví dụ một đoạn nhật ký sau:
“Đêm tháng sáu, nằm nghe những bản nhạc không lời tuyệt vời của Chad Lawson. Một sự tình cờ gặp gỡ; trái tim dạt dào ngây ngất. Tựa như, nhưng sâu hơn âm nhạc của Yiruma hay Kevin Kern. Hình dung ra mình đang ngồi trong một tòa biệt thự cổ vào một buổi sớm thu. Nắng vàng nhẹ hắt bóng qua ô cửa sổ. Ngoài kia là hồ nước mênh mông và mặt đất ngập màu xanh non của cỏ. Nhắm mắt lại, tận hưởng phút giây dịu êm. Quá khứ đã lùi xa, trút bỏ những gánh nặng, trở về sống thật với lòng mình, tự nhiên và yên vui.”
Không có ai khác ngoài chủ thể “tôi” ở đây, vì thế, cũng không cần nhắc tới bản thân. Ta biết điều ta đang viết ra là nói tới chính mình. Ai đang nhắm mắt lại, tận hưởng những phút giây? Là ta.
Bây giờ, ta thử viết cũng trải nghiệm trên, nhưng trong bối cảnh đang nói chuyện với một người hoặc nhóm người nào đó. Không chỉ cách xưng hô, mà cả nội dung và cách thức cũng sẽ phải khác đi.
“Gần tới nửa đêm, tôi nằm thật yên trong căn phòng riêng, thả hồn trôi theo những bản nhạc piano tuyệt vời của Chad Lawson. Bốn năm sống trong căng thẳng, cuối cùng tôi cũng biết mình sai ở đâu. Lâu lắm rồi tôi mới được nghỉ ngơi trọn vẹn; nghĩ tới những ngày tháng dịu êm phía trước lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc.”
Có thể thấy trong đoạn văn thứ hai, cảm xúc đã được tiết chế hơn và cách hành văn logic hơn. Đoạn văn đầu, ta có thể nói ra trải nghiệm của bản thân theo một cách rất mơ hồ: “trút bỏ gánh nặng, trở về sống thật lòng mình, tận hưởng phút giây êm đềm”. Cách viết này trong bối cảnh độc thoại là hợp lý bởi vì khi đó ta đã tự biết cụ thể mình đang ra sao, cái nói ra chẳng cần chi tiết, một vài nét phác họa là đủ để tóm được cái ý tứ kia. Nhưng trong bối cảnh đang viết cho người khác đọc ta buộc phải tập trung hơn, dùng cách diễn đạt khác thì mới có thể đạt tới cái mục đích.
Thử chuyển sang cái bối cảnh rộng lớn không xác định, ta sẽ thấy còn khác biệt nhiều nữa. Những trải nghiệm cá nhân vẫn có mặt, nhưng đã khác đi: chúng tan biến vào những tri thức mang tính phổ quát. Hãy xem đoạn văn sau:
“Sau bao năm, tôi cũng tìm lại được niềm hạnh phúc trong mình. Ngay khi tôi hiểu ra đã sai ở đâu và sống theo lẽ phải, cõi lòng tôi tự nhiên được yên vui. Dạy học, mục đích sau cùng đâu phải là giúp học trò đạt điểm số thật cao.Tôi không hiểu lẽ đó, nên cứ mù quáng cố gắng vì trò, để rồi đánh mất mình. Động cơ sai, dẫn tới hành động sai, và vì thế mà đau khổ. Cho tới khi tinh thần hoàn toàn kiệt quệ, nhìn lại tôi mới thấy bản thân đã từ bao giờ chẳng còn bất kì niềm vui và hứng thú nào, ngày ngày giảng dạy nhưng chỉ như một cỗ máy vô tri.”
Ở đây, ta thấy những trải nghiệm có tính nhất thời đã nhường chỗ cho những diễn tả tổng quan; sự lý giải trở nên quan trọng và thiết yếu. Khi ta hướng mình tới toàn thể, trường nghĩa của ngôn ngữ ta nói dường như cũng trở nên phổ quát: nói chuyện của ta mà như nói câu chuyện chung của tất cả.
Trong sự tự đối thoại, viết, ta không cố làm rõ điều gì, con chữ chỉ như một sợi dây mỏng manh nối kết ta với chiều sâu thẳm của kinh nghiệm. Không cần một trật tự nào, mọi thứ viết ra ngẫu hứng, rời rạc, giản lược; gợi mở thay vì diễn giải. Trong sự đối diện với đám đông, ta lại viết như thể đang kể một câu chuyện. Cũng là những kinh nghiệm ấy, nhưng ta chọn lọc, tổ chức, sắp xếp sao cho có trọng điểm và diễn giải phù hợp, vì người khác đâu có cái trải nghiệm như ta. Cuối cùng, ta chuyển mình sang tâm thế trò chuyện với toàn thể, nơi đây dường như ta không còn đối diện với một con người cụ thể nữa: chỉ có ta và sự thật. Ở cấp độ này, trải nghiệm riêng trong ta trở thành một phần của sự thật khách quan, cái riêng hòa nhập vào cái chung, cái bề mặt hòa nhập vào cái cốt lõi. Ở cấp độ đầu tiên, chỉ có ta. Ở cấp độ thứ hai, ta dự phần vào với mọi người nhưng ta vẫn là cái ta riêng biệt. Ở cấp độ cuối cùng, ta và mọi người trở thành một cái TA hợp nhất.
Comments
Post a Comment